Quy định về kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa trong hoạt động ngoại thương

Hoạt động ngoại thương đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế quốc dân nhưng đồng thời nó cũng mang đến những rủi ro nhất định. Đặc biệt là vấn đề hàng hóa đến từ các nước có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia cũng như an toàn sức khỏe của người tiêu dùng trong nước. Bởi vậy hoạt động này luôn cần phải đặt trong sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Ngày 12/6/2017 Quốc hội ban hành Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14. Luật mới này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 với nhiều quy định mới trong hoạt động quản lý ngoại thương, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa.


Khi nào sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa?


Hàng hóa sẽ bị áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp khi rơi và các trường hợp sau:
- Hàng hóa đến từ nơi đang có chiến tranh, tham chiến, xung đột hoặc có nguy cơ xung đột vũ trang có thể đe dọa an ninh, lợi ích của Việt Nam
- Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có bằng chứng công khai hoặc chứng minh được hàng hóa đến từ các nơi thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó
- Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin công khai hoặc chứng minh được hàng hóa đến từ các nơi có xảy ra sự cố, sai sót kỹ thuật sẽ ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó
- Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh hàng hóa đến từ các quốc gia sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam
- Xảy ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cán cân thanh toán
- Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác

Phải tiến hành tham vấn khi áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp


Tuân thủ quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp có trách nhiệm tiến hành tham vấn các đối tác thương mại. Việc tham vấn này được thực hiện trước hoặc sau khi ban hành, bãi bỏ biện pháp kiểm soát khẩn cấp.
Các biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa phải được lựa chọn áp dụng sao cho ít gây cản trở nhất cho hoạt động ngoại thương.
Khi hàng hóa không còn nằm trong các trường hợp trên hoặc các bên thương lượng, đàm phán thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp sẽ được bãi bỏ.

Với các quy định nêu trên, Luật quản lý ngoại thương 2017 sẽ đảm bảo cho hoạt động ngoại thương được lành mạnh, đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia cũng như an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Kiểm tra giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”

Quy định mới về điều kiện bán lẻ thuốc lá

Quy định mới về mức lãi suất theo thỏa thuận