Quy định mới về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự

Quyền bào chữa là một quyền quan trọng trong tố tụng hình sự, góp phần hình thành một cơ chế hoạt động tố tụng lành mạnh, minh bạch và hiệu quả. Việc bảo đảm quyền bào chữa có ý nghĩa lớn trong quá trình tố tụng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân. Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 đã có những quy định mới về quyền bào chữa này. Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015.

Mở rộng chủ thể hưởng quyền bào chữa

Bên cạnh các chủ thể được hưởng quyền bào chữa theo quy định của BLTTHS 2004 như: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn bổ sung thêm một số đối tượng cũng được hưởng quyền này như sau:
- Người bị tố giác
- Người bị kiến nghị khởi tố
- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp
- Pháp nhân có quyền được bào chữa thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc nhờ người bào chữa
Việc bổ sung thêm các đối tượng này là phù hợp với yêu cầu thực tiễn bởi ngay từ giai đoạn bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố... các chủ thể đã có nguy cơ bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp do đó họ có quyền bào chữa để tự bảo vệ quyền của mình. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích tối đa của các chủ thể, tránh tình trạng nhầm lẫn, oan sai. Mặt khác nó đảm bảo tối đa quyền con người, quyền công dân và phù hợp với Hiến pháp.

Mở rộng chủ thể là người bào chữa

Theo BLTTHS 2015, các chủ thể có thể là người bào chữa bao gồm:
- Luật sư
- Bào chữa viên nhân dân
- Trợ giúp viên pháp lý
- Người đại diện của người bị buộc tội
Như vậy, so với Luật cũ, Luật mới này đã bổ sung thêm quy định người bào chữa có thể là người đại diện theo pháp luật của người bị buộc tội. Quy định này là hợp lý bởi các chủ thể này có thể có mối quan hệ thân cận với người bị buộc tội và họ có thể thu thập và nắm bắt được nhiều thông tin nhằm bảo vệ lợi ích tối đa của người bị buộc tội.

Quy định mới về thủ tục đăng ký bào chữa

Cụ thể, BLTTHS mới đã bỏ quy định về thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa và thay bằng thủ tục đăng ký bào chữa. Trong mọi trường hợp người bào chữa tham gia tố tụng thì phải đăng ký bào chữa. Khi thực hiện thủ tục này, người bào chữa phải xuất trình một số loại giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật.
Sau khi cơ quan có thẩm quyền nhận đủ các loại giấy tờ, họ sẽ tiến hành kiểm tra giấy tờ trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận đủ và giải quyết yêu cầu đăng kí bào chữa. Nếu đủ các điều kiện thì vào sổ đăng kỹ bào chữa và gửi văn bản thông báo đến các chủ thể có liên quan, lưu các giấy tờ vào hồ sơ vụ án. Nếu không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký đồng thời nêu rõ lý do.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng có trách nhiệm báo trước cho người bào chữa biết về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng trong một khoảng thời gian hợp lý. Trường hợp đã thông báo mà người bào chữa vẫn không có mặt thì hoạt động tố tụng sẽ được tiến hành bình thường, trừ một số trường hợp vì lý do bất khả kháng.
Quy định mới này đã gỡ bỏ nhiều rào cản trong hoạt động bào chữa và tạo thuận lợi cho các chủ thể trong hoạt động này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Kiểm tra giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”

Quy định mới về điều kiện bán lẻ thuốc lá

Quy định mới về mức lãi suất theo thỏa thuận