Quy định mới về phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại

Hoạt động tố tụng hình sự có mục đích tìm ra sự thật khách quan của vụ án, trừng phạt người có hành vi phạm tội nhằm đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Tuy nhiên, trong hoạt động tố tụng này, người thi hành công vụ đôi khi mắc những sai lầm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của những người khác. Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 mới đây được Quốc hội ban hành đã quy định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể khi gây thiệt hại trong quá trình thi hành công vụ. Nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người bị thiệt hại, Luật mới này đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại. Luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018.

Quy định Nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại

Theo Luật mới này quy định, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo về việc Nhà nước tổ chức phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại. Thông báo này phải được thể hiện bằng văn bản và được gửi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc có bản án, quyết định đã có hiệu lực về việc giải quyết yêu cầu bồi thường.
Sau khi nhận được thông báo, nếu người bị thiệt hại đồng ý với các nội dung đã ghi trong thông báo thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ sẽ tiến hành phục hồi danh dự. Nếu họ không đồng ý thì phải có ý kiến đề nghị cụ thể để cơ quan nêu trên có cơ sở thực hiện phục hồi danh dự.
Người bị thiệt hại có quyền đề nghị chưa thực hiện phục hồi danh dự, việc phục hồi danh dự sẽ được thực hiện khi họ có yêu cầu bằng văn bản.
Ngoài ra, họ cũng có từ chối quyền được phục hồi danh dự bằng văn bản. Nếu từ chối bằng lời nói thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải lập biên bản ghi rõ việc này, có chữ ký, điểm chỉ của người bị thiệt hại. Khi đó họ sẽ mất quyền yêu cầu phục hồi danh dự.

Hình thức tiến hành phục hồi danh dự

Chủ thể bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được phục hồi danh dự thông qua các hình thức sau:
- Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai
- Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
Đối với cá nhân bị thiệt hại do bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như: đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ được phục hồi danh sự bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
Việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai cũng được áp dụng trong trường hợp người bị thiệt hại chết.

Quy định này thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc sửa chữa, khắc phục hậu quả do người thi hành công vụ của Nhà nước gây ra. Đây là quy định cần thiết và hợp lý bởi những sai lầm trong hoạt động tố tụng có thể gây ra hậu quả lớn, không chỉ về tài sản mà còn về tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bị thiệt hại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Kiểm tra giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”

Quy định mới về điều kiện bán lẻ thuốc lá

Quy định mới về mức lãi suất theo thỏa thuận