Ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự

Quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự có vai trò quan trọng giúp làm sáng tỏ bản chất của vụ án, tìm ra kẻ phạm tội và giải quyết đúng đắn vụ án. Do có vai trò quan trọng như vậy nên quá trình tố tụng này phải tuân thủ nhiều nguyên tắc chặt chẽ. Trong đó đặc biệt phải kể đến nguyên tắc suy đoán vô tội. Tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 mới đây đã ghi nhận những nội dung cơ bản của nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự như sau:

Nội dung nguyên tắc

Bộ luật tố tụng hình sự 2004 chưa ghi nhận cụ thể nguyên tắc suy đoán vô tội này song nội dung của nó đã thể hiện rõ trong các điều luật về xác định sự thật của vụ án hay bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ… Mặt khác, tại Điều 9 Luật tố tụng dân sự cũ khẳng định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”.

Tuy nhiên, đến Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã ghi nhận cụ thể nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13 của Luật này. Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo đúng trình tự, thủ tục và có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nếu không đủ căn cứ để kết tội thì người tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. 
Như vậy có nghĩa là mọi tội phạm phải được chứng minh theo trình tự thủ tục mà pháp luật tố tụng hình sự quy định. Quá trình chứng minh này được thực hiện từ khi có tin báo về tội phạm, thông qua các thủ tục tố tụng cho đến khi tiến hành xét xử tại phiên tòa. Nếu có căn cứ để kết tội thì Tòa án sẽ ra bản án kết tội. Khi bản án này có hiệu lực pháp luật, người bị buộc tội mới bị coi là có tội. Một người luôn vô tội nếu Nhà nước không chỉ ra được các bằng chứng chứng minh họ có tội.

Ý nghĩa của nguyên tắc

Nguyên tắc suy đoán vô tội giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động chứng minh bởi đây là hoạt động cực kỳ phức tạp và có thể gây hậu quả lớn nếu có sai lầm. Vì vậy, nếu chứng minh theo hướng suy đoán có tội thì rất dễ dẫn đến việc người tiến hành tố tụng áp đặt ý chí chủ quan của mình để bắt người, ra bản án và áp dụng hình phạt một cách tràn lan, thiếu căn cứ. Khi người bị buộc tội được chứng minh là vô tội thì hậu quả kéo theo sẽ rất nghiêm trọng.
Mặt khác, nguyên tắc suy đoán vô tội có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Nguyên tắc này đem đến sự cân bằng trong hoạt động tố tụng giữa một bên là cơ quan tiến hành tố tụng, đại diện quyền lực Nhà nước và một bên là người bị tình nghi, bị can, bị cáo.

Có thể thấy suy đoán vô tội là một nguyên tắc tiến bộ và nhân đạo. Nguyên tắc này không cho phép người tiến hành tố tụng áp đặt ý chí chủ quan để kết tội người bị buộc tội. Qua đó đảm bảo hiệu quả của quá trình tố tụng cũng như bảo vệ tốt hơn quyền con người trong tố tụng hình sự.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Kiểm tra giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”

Quy định mới về điều kiện bán lẻ thuốc lá

Quy định mới về mức lãi suất theo thỏa thuận